IELTS 6.0 PLUS
Anh ngữ
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

Tổng quan du học Phần Lan

Điều gì tạo nên sự khác biệt của giáo dục Phần Lan?

Đó chính là sự khuyến khích học tập của Chính Phủ. Giáo dục được đánh giá cao ở Phần Lan và đặt tiêu chuẩn cao cho giáo dục là một trong những nền tảng chiến lược của quốc gia này. Theo lời phát biểu của bà Tuula Haatainen - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phần Lan: “Chính phủ Phần Lan đầu tư mạnh vào giáo dục và đào tạo vì tin rằng đây chính là chìa khóa của sự sống sót và phát triển trong kinh tế. Giáo dục là tiên phong trong việc tạo ra việc làm, tại đất nước chúng tôi luôn cần những nguồn nhân lực có tay nghề chính vì thế việc đầu tư cho giáo dục là việc thiết yếu”.

Chất lượng giáo dục thuộc Top đầu thế giới

Một điều nữa mà người Phần Lan có thể tự hào về đất nước của mình chính là chất lượng giáo dục. Trong những năm gần đây, học sinh Phần Lan thường dẫn đầu trong cuộc thi quốc tế PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế - Programme for International Student Assessment).

Những trường đại học ở Phần Lan luôn nằm trong top đầu thế giới về chất lượng giảng dạy, đây chính là một nét hấp dẫn thu hút một số lượng lớn du học sinh theo học tại quốc gia này. Phần Lan có 6 trường Đại học nằm trong Top 500 thế giới trên bảng xếp hạng của The Times Higher Education năm 2020, bao gồm: University of Helsinki (hạng 96), Aalto University (hạng 184), University of Oulu (hạng 251), Tampere University (hạng 251), University of Turku (hạng 351) và University of Eastern Finland (hạng 401). Bên cạnh đó, nhiều năm liền Phần Lan cũng đứng đầu trong bảng xếp hạng giáo dục của OECD. 

Ngành học đa dạng với các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh

Các trường Đại học tại Phần Lan đều có rất nhiều các chương trình đào tạo đa dạng để sinh viên lựa chọn, tùy theo sở thích và khả năng của bản thân. Phần Lan tuyển sinh các Chương trình đào tạo quốc tế ở rất nhiều các lĩnh vực như: Du lịch và Dịch vụ Nhà hàng, khách sạn; Khoa học Máy tính và Công nghệ thông tin; Khoa học Xã hội và Truyền thông; Khoa học Ứng dụng và Khoa học Cơ bản; Kinh doanh và Quản lý; Kỹ thuật; Nghệ thuật Sáng tạo và Thiết kế,…

Phần Lan cung cấp hơn 400 chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, từ các khóa học hè cho đến các chương trình cấp bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ. Thêm nữa, hầu hết mọi người dân Phần Lan đều sử dụng được tiếng Anh nên sinh viên quốc tế có thể giao tiếp bằng tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày.

Chi phí học tập và sinh hoạt cực kì hợp lí

Tuy từ năm 2017, sinh viên quốc tế không thuốc khối EU, EEA sẽ phải tự chi trả học phí nhưng mức học phí tại các trường Đại học Phần Lan lại rất phải chăng. Đồng thời, Phần Lan cũng là một trong những quốc gia có mức sinh hoạt phí thấp tại châu Âu.

Nhiều cơ hội học bổng hấp dẫn

Hầu hết các trường Đại học ở Phần Lan đều có chương trình học bổng cho sinh viên quốc tế không thuộc khối EU, EEA. Các học bổng này thường dựa trên thành tích học tập và chia thành nhiều loại như miễn toàn bộ hoặc một phần học phí, hỗ trợ chi phí sinh hoạt,…

Môi trường sống, học tập và làm việc tuyệt vời

Theo báo cáo hằng năm của Liên Hợp Quốc, Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới 3 năm liên tiếp. Phần Lan quả thật là một đất nước an toàn và đáng sống. Bởi lẽ, nơi đây được tổ chức Economist Intelligence Unit bình chọn là đất nước đứng thứ 6 về chỉ số thanh bình. Không những thế, theo Travel Risk Map 2018, Phần Lan có tỉ lệ nguy hiểm thấp nhất thế giới. Và nhiều năm liền Hà Lan cũng được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) bình chọn là một trong những nước có nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới.

Phần Lan được mệnh danh là quốc gia đáng sống nhất trên thế giới

Phần Lan là một điểm dừng chân lý tưởng cho những ai đang tìm kiếm một nền giáo dục chất lượng cao. Bởi lẽ, hiện nay Phần Lan đang trở thành một điểm đến du học khá phổ biến đối với sinh viên quốc tế. Với mức chi phí được xem là “dễ thở” hơn so với một số cường quốc du học khác ở trời Âu cùng với một nền giáo dục chất lượng nổi tiếng toàn cầu, du học Phần Lan đang dần nhận được sự tin tưởng của rất nhiều sinh viên quốc tế, trong đó có cả sinh viên Việt Nam.

Địa điểm du lịch hấp dẫn

Bên cạnh hệ thống giáo dục chất lượng, Phần Lan còn là nơi lý tưởng dành cho những du học sinh yêu thiên nhiên với nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn. Tại đây, bạn có thể tham gia nhiều hoạt động thú vị như: trượt nước, lướt ván diều trên những hồ nước đóng băng; ghé thăm “quê hương” của ông già Noel ở làng Lapland thuộc tỉnh Rovaniemi để ngắm các chú tuần lộc kéo xe trượt tuyết; và cũng đừng quên trải nghiệm phòng tắm hơi nổi tiếng của Phần Lan.

Phần Lan cung cấp một cơ hội giáo dục tuyệt vời trong mọi ngành học. Và nếu Phần Lan là nơi bạn muốn bắt đầu một hành trình tiếp cận tri thức mới thì bạn sẽ không đơn độc. Bởi với những lí do trên, Phần Lan chính là một điểm đến thú vị mà sinh viên quốc tế mong muốn một lần đặt chân đến để học tập và làm việc.

 

Hệ thống giáo dục Phần Lan được biết đến là một nền giáo dục miễn phí với hơn 12,2% ngân sách của nhà nước dành cho giáo dục. Vì thế, mọi chi phí như học phí, tiền ăn trưa, chi phí cho dụng cụ học tập và các hoạt động ngoại khóa đều được miễn phí. Mục tiêu chính của giáo dục chính là việc cung cấp cho mọi công dân Phần Lan cơ hội được giáo dục bình đẳng.

Tại Phần Lan, trọng tâm giáo dục của quốc gia này chính là học tập hơn là kiểm tra. Vì vậy, kết quả học tập của học sinh sẽ dựa trên kết quả đánh giá học sinh theo từng môn học tương ứng với các tiêu chí trong chương trình giảng dạy của giáo viên. Chính vì lý do đó, một điểm nổi bật nữa trong hệ thống giáo dục Phần Lan chính là việc không có bài kiểm tra chuẩn hóa. Kỳ thi duy nhất được áp dụng trên toàn quốc chính là kỳ tuyển sinh quốc gia được tổ chức vào cuối năm trung học phổ thông. Các trường Đại học sẽ xét tuyển dựa vào kết quả của bài kiểm tra này cùng với bài thi đầu vào. 

Cụ thể, hệ thống giáo dục Phần Lan bao gồm:

1. Giáo dục và chăm sóc trẻ nhỏ trước khi giáo dục bắt buộc bắt đầu (Early childhood education and care):

Đây là sự kết hợp giữa việc giáo dục, giảng dạy và chăm sóc nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự phát triển cũng như phản xạ của trẻ nhỏ.

2. Giáo dục tiền tiểu học (pre – primary education):

Giáo dục tiền tiểu học hay còn được gọi là giáo dục mầm non cung cấp cho trẻ em trong năm đầu trước khi bắt đầu bước vào độ tuổi giáo dục bắt buộc, đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị chuyển tiếp từ giáo dục mầm non lên giáo dục cơ bản. Và kể từ năm 2015, việc tham gia vào giáo dục mầm non là bắt buộc đối với tất cả trẻ em ở Phần Lan và được cung cấp miễn phí. 

3. Giáo dục cơ bản (Basic education):

Giáo dục cơ bản là giáo dục bắt buộc đối với tất cả trẻ em từ 7-16 tuổi và được xem như là trường học toàn diện. Mọi trẻ em ở Phần Lan đều phải tham gia giáo dục cơ bản và được hoàn toàn miễn học phí, kể cả các bữa ăn miễn phí tại trường. Chương trình học được kéo dài khoảng 9 năm.

4. Giáo dục trung học phổ thông (Preparatory education and training):

Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục cơ bản 9 năm bắt buộc, học sinh tại Phần Lan có quyền lựa chọn một trong hai hướng, đó là: Giáo dục trung học phổ thông hoặc Giáo dục đào tạo nghề.

4.1 Giáo dục trung học phổ thông (General upper secondary schools):

Chương trình giáo dục trung học phổ thông thường phải mất 3 năm để hoàn thành. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, học sinh sẽ tham gia kì thi tuyển sinh quốc gia. Những người vượt qua được kì thi tuyển sinh này sẽ đủ điều kiện để đăng ký học tiếp tại các trường đại học, đại học khoa học ứng dụng và các cơ sở dạy nghề. 

4.2 Giáo dục đào tạo nghề (Vocational institutions):

Cũng tương tự với chương trình giáo dục trung học phổ thông, giáo dục đào tạo nghề cũng phải trải qua 3 năm đào tạo với 120 tín chỉ chuyên môn. Sau khi hoàn thành trình độ trung cấp nghề, học sinh có thể nâng lên trình độ trung học phổ thông nghề, trình độ chuyên môn cao và trình độ nghề chuyên nghiệp. Các cơ sở dạy nghề hướng dẫn học sinh dựa trên cơ sở thực tế và chương trình đào tạo được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục đào tạo nghề, học sinh cũng có thể học tiếp lên giáo dục đại học.

5. Giáo dục đại học:

Phần Lan có chương trình giáo dục sau khi tốt nghiệp THPT thì hs có thể đăng ký học: Đại học ứng dụng (University/Research University), Đại học khoa học ứng dụng (University of Applied Science), các viện đào tạo (institute). Nhưng đa phần các bạn chọn học 2 hình thức các trường đại học và đại học khoa học ứng dụng.

5.1 Các trường đại học (Universities):

Nhiệm vụ của các trường đại học là tiến hành nghiên cứu khoa học và cung cấp chương trình đào tạo dựa trên lĩnh vực khoa học đó. Chẳng hạn trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Truyền thông, có thể đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực nghiên cứu này như ngành Kinh tế, ngành Truyền thông,...

Các trường đại học cung cấp các chương trình đào tạo trong lĩnh vực khoa học và nghệ thuật cao hơn, các bằng cấp tương đương từ trình độ cử nhân, thạc sĩ đến tiến sĩ. Thời gian hoàn thành chương trình đào tạo bằng cử nhân tại một trường đại học ở Phần Lan là 3 năm và đối với bằng thạc sĩ là tối thiểu 2 năm.

5.2 Các trường đại học khoa học ứng dụng (Universities of Applied Sciences):

Các trường đại học khoa học ứng dụng (UAS) cung cấp giáo dục thực tế hơn các trường đại học nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Các trường đại học này cấp bằng cử nhân và thạc sĩ theo hệ khoa học ứng dụng. Vì thế việc hoàn thành chương trình tại các trường UAS thường mất khoảng từ 3,5 năm đến 4,5 năm.

6. Giáo dục và đào tạo người lớn hơn tuổi học cơ bản trên tinh thần học tập suốt đời (Education and training in the spirit of lifelong learning):

Giáo dục và đào tạo dành cho người lớn (Adult education and training) là một chương trình giáo dục và đào tạo dành cho người lớn bao gồm cấp chứng chỉ, cấp bằng, đào tạo học nghề, mở rộng và nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiên cứu các chủ đề liên quan đến kỹ năng sống và xã hội,...

Chỉ số giáo dục được xuất bản với chỉ số phát triển con người của Liên Hợp Quốc vào năm 2008, đã liệt kê Phần Lan với điểm số 0,993 nằm trong số các nền giáo dục cao nhất trên thế giới. Và Bộ Giáo dục Phần Lan cho rằng thành công của mình là nhờ “hệ thống giáo dục với chương trình giáo dục cơ bản thống nhất cho toàn bộ các nhóm tuổi, giảng viên có chuyên môn cao và quyền tự chủ cho các trường”.

Du học Phần Lan vốn luôn được biết tới với chính sách học bổng cực ấn tượng lên đến 100% học phí cũng như có thêm cả học bổng hỗ trợ chi phí sinh hoạt. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để các bạn có điểm GPA cao cũng như trình độ tiếng Anh vượt trội có cơ hội đi du học với mức chi phí khá thấp. Vậy nên, nếu bạn đang ấp ủ ước mơ đi du học ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới thì đừng ngần ngại tìm hiểu những chính sách học bổng cực kì hấp dẫn tại Phần Lan.

Những năm gần đây, Phần Lan luôn là điểm đến học thuật quen thuộc của các du học sinh từ khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh chất lượng giáo dục hàng đầu, đào tạo các ngành luôn “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao, Phần Lan còn thu hút đa số sinh viên quốc tế bởi chính sách học bổng với những suất học bổng giá trị cao khuyến khích học tập.

Các loại hình đào tạo tại Phần Lan

Chương trình giáo dục đại học ở Phần Lan được chia thành hai loại hình, bao gồm: khối trường đại học nghiên cứu (Universities) và khối trường đại học khoa học ứng dụng (UAS). Cả hai loại hình đào tạo này đều cung cấp các chương trình đại học và sau đại học , được dạy bằng tiếng Anh, Phần Lan hay Thụy Điển. Và sinh viên tốt nghiệp loại hình đào tạo nào sẽ được cấp bằng Cử nhân hay Thạc sĩ có giá trị tương đương. Mỗi chương trình học tại hai loại trường đại học này sẽ có phương pháp giảng dạy và khả năng đáp ứng công việc khác nhau. Bên cạnh đó, mức học phí, giá trị học bổng theo các khối  ngành đào tạo cũng khác nhau.

Vậy ở Phần Lan, có những suất học bổng nào có thể giúp bạn hiện thực hóa ước mơ đi du học của mình? Đa phần các học bổng du học Phần Lan có nguồn gốc từ các trường đại học và các tổ chức giáo dục của chính phủ. 

Học bổng từ các trường đại học

Hầu hết các trường đại học tại Phần Lan cấp học bổng cho các sinh viên thuộc diện phải đóng học phí. Học bổng thường dưới dạng miễn học phí, thậm chí hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt cho sinh viên. Chính sách học bổng tại các trường đại học Phần Lan thường hỗ trợ các gói học bổng có giá trị từ 10 – 100% cho sinh viên. Học bổng đến từ các trường đại học thường dành cho các bạn sinh viên có thành tích học tập xuất sắc dựa trên bảng điểm, bằng khen, các công trình nghiên cứu khoa học.

Các gói học bổng cụ thể của các trường đại học Phần Lan như sau:

1. Học bổng đại học Tampere:

Học bổng 50 – 100% học phí dành cho chương trình Thạc sĩ trong 2 năm

Học bổng toàn cầu 2 năm chương trình đào tạo Thạc sĩ dành cho một số sinh viên xuất sắc bao gồm: 100% học phí và 7.000 EUR sinh hoạt phí.

Lưu ý: 

Để đủ điều kiện nhận học bổng trong năm thứ hai bạn phải đạt được ít nhất 55 tín chỉ.

Nếu trong kỳ thi đầu vào sinh viên không đủ điều kiện nhận học bổng thì sau đó, nếu sinh viên hoàn thành đủ 65 tín chỉ ECTS với GPA không dưới 3/5 thì có thể xin học bổng 50% học phí cho năm thứ 2.

2. Học bổng đại học Công nghệ Lappeenranta (LUT):

Học bổng hỗ trợ 50% học phí.

Học bổng hỗ trợ 100% học phí.

Học bổng toàn phần:  bao gồm 100% học phí trong chương trình đào tạo Thạc sĩ 2 năm cùng với chi phí sinh hoạt 600 EUR/năm.

Lưu ý: học bổng toàn phần là học bổng rất hiếm và chỉ được trao cho những sinh viên đạt được điểm đặc biệt cao trong quá trình tuyển chọn.

3. Học bổng đại học Helsinki:

Hỗ trợ 100% học phí và 10.000 EUR 

4. Học bổng CIMO:

CIMO hợp nhất với Hội đồng quốc gia về Giáo dục Phần Lan, lập ra cơ quan Giáo dục quốc gia Phần Lan. Tuy nhiên chương trình học bổng từ tổ chức này vẫn giữ nguyên tên gọi. Cơ quan giáo dục quốc gia Phần Lan hiện tại hỗ trợ nhiều suất học bổng đào tạo chương trình Tiến sĩ và nghiên cứu tại các trường đại học Phần Lan. Học bổng từ tổ chức này dành cho mọi ngành học.

Trong đó, chương trình học bổng mang tên CIMO Fellowships được mở cho các học viên Tiến sĩ và các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới với mọi ngành học. Đặc biệt, chương trình này ưu tiên các sinh viên quốc tế từ các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Chile, và Bắc Mỹ. Học bổng này hỗ trợ cả chi phí sinh hoạt không bao gồm chi phí nhà ở.

5. Học bổng EU (Erasmus Mundus):

Các trường đại học Phần Lan tham gia nhiều chương trình được hỗ trợ từ Erasmus Mundus. Sinh viên có thể săn học bổng này bằng cách nộp đơn trực tiếp theo các chương trình hiện có tại EU theo cấp bậc Tiến sĩ và Thạc sĩ.

6. Học bổng quỹ Luigi Einaudi:

Nếu bạn đang theo học các khối ngành xã hội, bạn cũng có thể nộp đơn xin học bổng của Luigi Einaudi Foundation. Hàng năm có khoảng 1200 học bổng và trợ cấp nghiên cứu được trao cho sinh viên trong phạm vi các ngành khoa học xã hội.

Thế nhưng, để có thể “săn” được các suất học bổng và hiện thực hóa giấc mơ du học của mình, bạn phải đáp ứng được các yêu cầu từ đơn vị cấp học bổng. Hầu hết học bổng từ các trường đại học nghiên cứu và đại học khoa học ứng dụng (UAS) yêu cầu sinh viên cần có thành tích học tập thật sự nổi bật. Đối với tất cả các học bổng, học sinh yêu cầu học toàn thời gian và phải tích lũy ít nhất 55 ECTS mỗi năm. Tuy nhiên, đây sẽ không phải là “trở ngại” quá lớn nếu bạn có khát khao muốn học tập và sinh sống ở một đất nước được xem là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

 

Làm thêm là một lựa chọn khá phổ biến đối với các bạn trẻ vì được học hỏi nhiều điều mới mẻ, rèn luyện kỹ năng giao tiếp lẫn ngoại ngữ, hiểu hơn về môi trường làm việc cũng như văn hóa ở đất nước mà mình đang học tập.

Quy định việc làm thêm của du học sinh Phần Lan

Khác với một số quốc gia khác ở châu Âu, Phần Lan cho phép sinh viên quốc tế đi làm thêm trong khi du học với thời gian là 25h/tuần trong năm học và có thể làm toàn thời gian vào mùa hè với những công việc liên quan đến ngành học sinh đang học. Đối với các sinh viên quốc tế, việc đi làm thêm không chỉ kiếm thêm thu nhập để trang trải một phần chi phí sinh hoạt mà còn phát triển kỹ năng, thái độ làm việc, mở rộng các mối quan hệ xã hội,...

Vậy sinh viên quốc tế có thể tìm những công việc gì trong thời gian du học tại Phần Lan?

Đầu tiên, những công việc lý tưởng nhất sẽ liên quan đến lĩnh vực học tập của bạn. Nếu bạn đang theo học chương trình đào tạo thạc sĩ, công việc nghiên cứu tại các khoa có thể phù hợp với bạn. Ngoài ra, cũng có những công việc không liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu. Tại mỗi trường đại học Phần Lan đều có dịch vụ hỗ trợ nghề nghiệp và ngày hội việc làm để bạn có thể tìm kiếm thông tin phù hợp với sở thích của mình.

Một công việc khác nhưng khá hiếm, vẫn liên quan đến lĩnh vực bạn đang nghiên cứu, đó là công việc teacher assistant ở trường học nếu như  bạn thật sự xuất sắc trong một môn học  nào đó.

Internet dành cơ hội cho tất cả những người thật sự biết tận dụng nó. Và những công việc sáng tạo, online, freelancer như viết lách, dịch bài,...tùy thuộc vào khả năng mỗi người vẫn có thể giúp bạn kiếm thêm thu nhập.

Còn có những công việc làm thêm khá phổ biến đối với sinh viên quốc tế, đó là những việc như lau dọn nhà cửa, khách sạn, phòng ốc và tàu du lịch. Những công việc này thường có mức thu nhập từ 7 – 9 EUR. Chăm sóc trẻ em, người tàn tật và người già cũng là một công việc làm thêm với mức lương rơi vào khoảng 9 EUR. Tuy nhiên những công việc này thường yêu cầu bạn phải biết tiếng Phần Lan và nếu không thì có khá nhiều các điều kiện kèm theo.

Và một số công việc khác có thể làm vào mùa hè như làm việc ở các trang trại trồng rau, hái dâu, đóng gói đồ trong các nhà máy, siêu thị,...

Có nhiều cách để tìm việc làm thêm như: tự tìm thông qua các website, hỏi sinh viên khóa trước, liên hệ trực tiếp với nơi bạn muốn làm việc, tìm việc thông qua Intranet của trường,...Nếu muốn tự tìm kiếm việc làm, bạn có thể truy cập vào trang mol.fi để tìm kiếm công việc part – time phù hợp với mình.